Để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch y tế vượt xa mức thu được 2 tỉ USD mỗi năm hiện nay, ngành du lịch và ngành y tế TP.HCM cần phối hợp phát huy hai thế mạnh chủ lực là y học cổ truyền và nha khoa.
Phát biểu tại hội thảo giới thiệu về tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch y tế tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – phó giám đốc sở Du lịch TP.HCM cho biết, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch đang tăng dần qua các năm, mang lại doanh thu khoảng 2 tỉ USD năm 2018.
Chỉ tính riêng năm 2018, có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam. Trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 40%.
Các diễn giả tọa đàm về tiềm năng phát triển du lịch y tế tại TP.HCM trong khuôn khổ triển lãm du lịch quốc tế 2019 (ITE 2019) diễn ra tại TP.HCM từ ngày 5 đến 7.9.2019. Ảnh: Bích Trâm.
Du lịch y tế cũng được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo là một trong sáu xu hướng du lịch sẽ phát triển trong tương lai, cùng với du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo.
Du lịch y tế cũng được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo là một trong sáu xu hướng du lịch sẽ phát triển trong tương lai, cùng với du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo.
Việc phát triển loại hình du lịch y tế vì vậy được sở Du lịch và sở Y tế TP.HCM đánh giá vừa phù hợp xu hướng phát triển của thế giới vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giúp tăng trưởng lượng khách đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Để phát triển du lịch y tế tại trung tâm kinh tế sôi động như TP.HCM, đại diện các sở Du lịch và Y tế TP.HCM cho biết hai sở đã cùng xây dựng kế hoạch ngành đến 2025. Theo đó, các cơ sở y tế sẽ kết nối với các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các gói sản phẩm và dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp cho du khách trong nước và quốc tế.
Kế hoạch bắt đầu được thực hiện từ hai thế mạnh của ngành y tế hiện là y học cổ truyền và nha khoa, sau đó sẽ phát triển tiếp các ngành có lợi thế khác như tim mạch, phẫu thuật làm đẹp, chỉnh hình…
Bác sĩ Đỗ Tân Khoa – giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết bệnh viện này đang tham gia phát triển du lịch y tế bằng cách nâng cấp cơ sở vật chất, có các chương trình “thay đổi cách nghĩ của nhiều người rằng các bệnh viện y học cổ truyền là những nơi không được hiện đại, sạch sẽ như các bệnh viện khác.”
Tại thị trường Việt Nam, các chuyên gia đánh giá việc điều trị theo Đông y được chú trọng nhờ sự lành tính, ít gây tác dụng phụ của thảo dược, thảo mộc. Do đó, y học cổ truyền là lựa chọn phổ biến của du khách, khoảng 30% được khám và điều trị bằng y học cổ truyền, theo bộ Y tế.
Với loại hình du lịch y tế về nha khoa, một trong những thế mạnh đặc biệt của Việt Nam là giá cả cạnh tranh. Toàn bộ chi phí điều trị ở Việt Nam theo ước tính của công ty Du lịch Nha khoa Việt Nam (Vietnam Dental Tourism Group) thấp hơn 50-75% so với các quốc gia phát triển.
Chẳng hạn, một implant ở Việt Nam cấy ghép có giá từ 700 USD, một chiếc răng sứ từ 250 USD. Con số ở các thị trường Mỹ, Anh và Úc cao hơn khoảng ba lần. Riêng đối với nha khoa thẩm mỹ, dịch vụ toàn bộ 18-20 răng bọc sứ có giá 9.000 USD tại Việt Nam, trong khi các quốc gia phát triển khác có giá cao hơn 5 lần, thậm chí cao hơn.
Các đại diện cho rằng, thực tế khi dùng dịch vụ nha khoa thẩm mỹ, du khách thường tự chi tiền túi chứ không được bảo hiểm chi trả. Với mức giá chênh lệch này, những chuyến du lịch nha khoa tại Việt Nam được ví như một “kỳ nghỉ” của các du khách quốc tế.
Trong một thông cáo về phát triển du lịch y tế tại TP.HCM, Saigontourist cho biết hai năm qua đã phối hợp với Vietnam Dental Tourism Group xây dựng và chào bán thành công nhiều gói sản phẩm du lịch nha khoa cho du khách trong và ngoài nước. Với sự đầu tư phát triển trang thiết bị kỹ thuật, sở hữu 30 đơn vị nha khoa thành viên, Vietnam Dental Tourism Group tham vọng xây dựng thương hiệu du lịch y tế quốc gia với mục tiêu “phòng nha thế giới”.
Sự đầu tư bài bản từ các đơn vị y tế đối tác được đánh giá sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành yên tâm hơn trong việc xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đa dạng hơn.